Hiện các công ty lữ hành Nhật Bản có kế hoạch phát triển điểm đến mới thay thế cho Hawaii (Mỹ), và cân nhắc Phú Quốc có thể trở thành điểm đến tiềm năng...
Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH JTB - TNT đưa ra tại Hội thảo chuyên đề về Du lịch tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân sáng 2/5.
Muốn hợp tác nhưng khó tìm đầu mối
Theo đó, ông Nguyễn Văn Tấn cho biết, doanh nghiệp của ông vừa có cuộc gặp đối tác chuyên về thị trường Nhật Bản.
"Hiện các công ty lữ hành Nhật Bản có kế hoạch phát triển điểm đến mới thay thế cho Hawaii (Mỹ), và cân nhắc Phú Quốc có thể trở thành điểm đến tiềm năng. Do đó Việt Nam có thể học hỏi mô hình phát triển của Hawaii để thu hút thêm khách Nhật", ông Tấn nói.
Tuy nhiên theo ông Tấn, các hãng nước ngoài muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam lại lúng túng khi tìm đầu mối liên hệ. Cho nên Việt Nam cần tổ chức những chuyến trải nghiệm cho các đối tác nước ngoài và cần trao đổi thường xuyên và chuyên nghiệp hơn, phát triển sản phẩm du lịch mới.
Một vấn đề khác cũng được lãnh đạo doanh nghiệp JTB-TNT đề cập đến là chuỗi cung ứng vận chuyển cho ngành du lịch.
Theo đó, ông Tấn cho rằng, các hãng hàng không hiện phát triển rất mạnh, đáp ứng nhu cầu của hành khách song vấn đề tồn đọng ở các sân bay. Nhiều sân bay đã xuống cấp cả về khả năng đáp ứng và dịch vụ cung cấp.
Tiếp theo đó là ngành đường sắt với chất lượng còn nghèo nàn. "Việt Nam có bờ biển rất đẹp, do đó quy hoạch đường sắt cần chú ý đưa khách qua những vùng có thắng cảnh đẹp ngoài đèo Hải Vân", ông gợi ý.
Vấn đề tiếp theo cũng đặt ra với ngành du lịch hiện nay là cơ sở lưu trú. Đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện khách sạn tại các thành phố lớn chưa đủ phục vụ đoàn MICE trên 1.000 khách.
Hạ tầng thông tin phát triển nhanh, thông tin cho du khách hầu như không theo kịp. Cần bổ sung ứng dụng di động cho các trang web. Đồng thời rà soát lại các trang web bởi nhiều thông tin nhưng chưa thiết thực.
"Các sản phẩm văn hoá chưa được hỗ trợ quảng bá lâu dài tại các quốc gia khác. Ban đầu festival Huế, hoa Đà Lạt, trái cây Nam Bộ, cà phê Đắk Lắk rầm rộ song chưa giữ độ nóng lâu dài.
Một số điểm đến lớn của Việt Nam còn khó khăn, ví dụ như làm sao để khách đến Hạ Long không chỉ lưu trú trên Vịnh, mà cần nghỉ dài hơn trong khách sạn trên bờ. Làm sao Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... đảm bảo nhân lực để giải quyết nhu cầu?", ông Tấn nêu ra một loạt vấn đề cần được giải quyết.
Thái Lan từng mất 15 năm để đạt lượng khách như Việt Nam
Là một người nước ngoài đã sinh sống tại Việt Nam từ cuối năm 1980, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cho biết, số lượng khách du lịch đến Việt Nam từ rất ít đã lên đến hàng chục triệu trong thời gian ngắn.
"Thái Lan phải mất đến 15 năm để đạt được lượng khách như Việt Nam. Cho nên từ nay đến 2030 chúng ta hoàn toàn có thể đạt được 30 triệu khách", ông nói.
Ông Kenneth Atkinson nhận định, khách du lịch quay lại Thái Lan rất đáng kể nhưng Việt Nam chưa làm được điều này. Khách quốc tế đến Việt Nam một lần và rất ít quay lại lần thứ hai.
"Chúng ta cần có các nhóm khách khác nhau để tạo ra một thị trường chung. Mức phí visa mà chúng ta dành cho du khách cần dễ chịu hơn. Nếu chúng ta miễn visa cho các thị trường mà chúng ta hướng tới có thể đem về hàng trăm triệu USD. Với mức chi trả 1.100 USD vào năm 2020 đòi hỏi chúng ta cải thiện chất lượng các cơ sở du lịch", ông Kenneth Atkinson đề xuất.
Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị cần khuyến khích khách ở Việt Nam lâu hơn, song song với việc tập trung gia tăng miễn thị thực nhiều nước hơn nữa. Ông kỳ vọng áp dụng kéo dài thị thực cho du khách các nước Australia, New Zealand, Hà Lan... vì du lịch Việt Nam không thể bỏ qua những nước phát triển như vậy.
"Chúng tôi muốn mở rộng visa với một số nước như trên, kéo dài từ 15 thành 30 ngày để khách ở lâu hơn, chi trả nhiều hơn", ông nói.
Một số khách phàn nàn đến Tp.HCM mới biết họ được miễn thị thực. Chúng ta cũng cần sử dụng các hòm thư của Chính phủ, sứ quán thay vì email thông thường để tránh thông tin giả và trục lợi", ông Kenneth Atkinson hiến kế.
Vneconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.