Bộ
Giao thông Vận tải khẳng định việc xây dựng thêm một cảng hàng không hỗ trợ,
thay thế sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết và sân bay Long Thành là lựa chọn
hiệu quả nhất.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu vừa
có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc trả lời kiến nghị “không nên xây dựng sân
bay Long Thành” của hai cựu cán bộ ngành hàng không là ông Mai Trọng Tuấn
(nguyên phi công) và Lê Trọng Sành (nguyên trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn
Nhất, TP HCM).
Theo Bộ GTVT, dự báo số lượng hành
khách qua sân bay Tân Sơn Nhất năm nay đạt khoảng 19 triệu lượt, đến năm 2020
sẽ đạt đến công suất thiết kế là 25 triệu hành khách một năm và sau năm 2020 sẽ
rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, việc mở rộng để nâng công suất cảng
hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là rất khó do cảng hàng không hiện hữu có 2
đường hạ cất cánh song song dạng đóng. Nếu đầu tư thêm một đường hạ cất cánh
tương đương về phía Bắc của sân bay cũng không khả thi do cảng hàng không nằm
trong khu vực dân cư dày đặc và các đường phố chính.
“Việc mở rộng để nâng công suất sân
bay Tân Sơn Nhất sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm
TP HCM như tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép”, báo cáo của Bộ GTVT
lý giải và cho rằng việc xây dựng sân bay quốc tế mới sẽ giúp TP HCM phát triển
bền vững và giảm ùn tắc giao thông nội đô.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu,
công tác khảo sát, quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được
thực hiện cách nay 10 năm. Vị trí được chọn đã thỏa mãn các tiêu chí tổng hợp
cho việc hình thành sân bay quốc tế trung chuyển, đảm bảo thuận lợi trong việc
vận chuyển hành khách, hàng hóa đi đến TP HCM - trung tâm kinh tế, văn hóa, xã
hội của cả nước và là cửa ngõ lớn nhất trong việc thông thương với quốc tế;
đồng thời phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, theo kinh
nghiệm của các nước trên thế giới, các sân bay lớn đều nằm cách trung tâm thành
phố 15-60 km và thời gian tiếp cận tối đa khoảng 40-50 phút.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho hay, vị
trí của sân bay Long Thành đảm bảo đủ diện tích (5.000 ha) để xây dựng một cảng
hàng không quốc tế mới, hiện đại có công suất 80-100 triệu hành khách một năm,
sân bay cấp 4F, cấu hình 4 đường cất hạ cánh, đảm bảo yêu cầu khai thác an toàn
và hiệu quả cho một cảng hàng không có quy mô lớn, hiện đại với điều kiện an
toàn tĩnh không tốt.
Khu vực này cũng rất phù hợp cho
việc quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay và điều hành bay vì có tỷ lệ đô
thị hóa thấp, không có công trình cao tầng đã được xây dựng hoặc dự kiến xây
dựng. Ngoài ra, sân bay Long Thành nằm xa khu vực biên giới, xa khu vực cấm bay
nên rất thuận tiện cho công tác quản lý bay, quản lý vùng trời.
|
Sân bay Tân Sơn Nhất rất khó phát
triển do khu dân cư đông đúc, dày đặc xung quanh. Ảnh: Kiên Cường
|
Bên cạnh đó, vị trí xây dựng cảnghàng không quốc tế Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức
tạp, khối lượng đào đắp ít, mặt bằng tương đối bằng phẳng, rất thuận lợi cho
việc xây dựng cảng hàng không. Đồng thời, khu vực này chủ yếu là diện tích
trồng cây cao su, mật độ dân cư khu vực không cao, thuận lợi cho công tác bảo
vệ môi trường. Vì vậy khi xây dựng cảng hàng không hiện đại sẽ chỉ ảnh hưởng
đến diện tích phát triển cây cao su, ít ảnh hưởng về tiếng ồn, khí thải đến môi
trường sống của các khu dân cư xung quanh.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ
GTVT cũng cho biết, ngoài phương án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, 2
phương án khác là mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và mở rộng căn cứ không
quân Biên Hòa cũng đã được nghiên cứu toàn diện và đầy đủ với các yếu tố so
sánh như khoảng cách tính từ trung tâm thành phố, giao thông tiếp cận, diện
tích đất yêu cầu và chi phí giải phóng mặt bằng, tác động môi trường… “Kết quả
so sánh cho thấy phương án tối ưu là xây dựng cảng hàng không quốc tế Long
Thành theo quy hoạch đã được duyệt”, Bộ GTVT khẳng định.
Tham khảo thêm các tin liên quan: